vi-VNen-US

Công nghệ và thiết bị chào bán

Công nghệ và thiết bị chào bán

Công nghệ và thiết bị chào bán
QUY TRÌNH TRỒNG DƯA LƯỚI HỮU CƠ THEO HƯỚNG CÔNG NGHỆ CAO 929
Giá tham khảo:
Nhà cung ứng:
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:

Thông tin chung

THÔNG TIN CHI TIẾT VỀ CÔNG NGHỆ/THIẾT BỊ 

- Tên công nghệ (Quy trình/thiết bị/ sản phẩm): Quy trình trồng dưa lưới hữu cơ theo hướng công nghệ cao 

- Công nghệ thuộc lĩnh vực: Nông nghiệp 

- Công nghệ thuộc nhóm đối tượng nào trong Luật Chuyển giao công nghệ: Khuyến khích chuyển giao 

- Xuất xứ công nghệ: Đề tài nghiên cứu cấp cơ sở 

- Tiệu chuẩn/Quy chuẩn của công nghệ: Tiêu chuẩn VietGAP  

- Mô tả chi tiết về Công nghệ/Quy trình công nghệ: Quy trình trồng dưa lưới hữu cơ trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao gồm 2 phần với các bước sau:

+ Phần 1: Chuẩn bị cây con và giá thể

Sử dụng khay ươm cây thường bằng vật liệu xốp (50 lỗ/khay) để gieo hạt. Giá thể gieo hạt là mụn xơ dừa đã được xử lý chất chát (tanin), phân hữu cơ (trùn quế hoặc phân chuồng) đã được xử lý bằng tricoderma và tro trấu phối trộn theo tỷ lệ tương ứng là 70% + 20% + 10%, rồi cho vào đầy lỗ mặt khay và tiến hành gieo 1 hạt/lỗ. Sau đó tưới nước giữ ẩm hằng ngày, khay ươm được đặt trong nhà ươm có che mưa và lưới chắn côn trùng. Khi cây xuất hiện lá thật thứ nhất thì phun phân bón lá Growmore 30-10-10, nồng độ 1 g/lít nước.

+ Phần 2: Trồng và chăm sóc 

Nên trồng vào buổi chiều mát, đặt cây nhẹ nhàng để tránh tổn thương cây con, không nén quá chặt, trồng xong phải tưới nước ngay. Mật độ và khoảng cách trồng vào mùa khô là hàng kép kiểu nanh sấu, đạt 2.500-2.700 cây/1.000 m2; mùa mưa trồng hàng kép đạt 2.200 – 2.500 cây/1000 m2.

Phân bón như KNO3, MgSO4, K2SO4, (NH4)2SO4, Ure, KH2PO4, Ca(NO3)2 thường được hòa vào nước thành dung dịch dinh dưỡng tưới cây, đảm bảo đủ các nguyên tố cần thiết cho sinh trưởng và phát triển là K, N, P, S, Ca, Mg. Dung dịch dinh dưỡng và nước tưới được cung cấp đồng thời qua hệ thống tưới nhỏ giọt có nồng độ phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây.

Khi trồng được 7 – 10 ngày, bắt đầu treo dây cố định cây, đến giai đoạn ra hoa tiến hành thụ phấn bằng ong hoặc thủ công. Mỗi cây để lại từ 1 – 4 quả, sau đó tỉa hết cành nách tạo thông thoáng và hạn chế tiêu hao dinh dưỡng. Khi quả có đường kính từ 2 – 4 cm (khoảng 40 ngày sau trồng) thì hãm ngọn để tập trung dinh dưỡng nuôi quả.

Loại sâu hại dưa lưới trồng trong nhà màng chủ yếu là bọ trĩ (Thrips palmi Karny) và bọ phấn (Bemisia tabaci). Bọ trĩ phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nóng và khô, gây hại nặng giai đoạn cây con đến ra hoa, đậu trái. Bọ phấn hoạt động vào sáng sớm và chiều mát, hút nhựa làm cây có thể bị héo, ngã vàng và chết; truyền các bệnh virus. Để phòng, trừ có thể dùng bẫy dính; thiên địch nhện nhỏ (Amblyseius cucumber), bọ xít (Orius sauteri và Orius strigicolly), phun thuốc bảo vệ thực vật; vệ sinh vườn trồng, v.v…

Một số bệnh phổ biến gây hại dưa lưới như bệnh phấn trắng do nấm Erysiphe cichoracearum De Candolle hại lá, thân, cành ngay từ thời kỳ cây con; bệnh sương mai giả do nấm Pseudoperonospora cubensis, gây hại trên tất cả các bộ phận nhưng phổ biến nhất là lá; bệnh nứt thân chảy nhựa do nấm Mycosphaerella melonis, gây hại chủ yếu trên thân, đôi khi trên lá và cuống quả, gây nứt, chảy nhựa, cây có thể bị khô chết. Cách phòng trừ là vệ sinh đồng ruộng, thu dọn sạch tàn dư thân lá bị bệnh, tiêu diệt cỏ dại, mật độ trồng hợp lý, bón phân cân đối N-P-K; phun thuốc kịp thời khi phát hiện bệnh,…

Phần 3: Công nghệ xử lý, đóng gói, bảo quản và chế biến sau thu hoạch

Dưa lưới chịu nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng về cảm quan cũng như dinh dưỡng, tỉ lệ hư hỏng, thời gian bảo quản sau thu hoạch. Các yếu tố bên trong là do dưa sau thu hoạch vẫn tiếp tục một số quá trình sinh lý, sinh hóa như hô hấp, thoát hơi nước, sản sinh khí ethylene, quá trình chín, nấm bệnh,… làm dưa bị héo, giảm khối lượng chất khô, vỏ, thịt quả mềm đi, không còn độ giòn và có thể bị hư hỏng hoàn toàn; giảm thời gian bảo quan; dễ bị tổn thương cơ học khi vận chuyển đi xa,… Những yếu tố bên ngoài cũng tác động không nhỏ đến thời gian bảo quản và tỉ lệ hư hỏng như nhiệt độ, độ ẩm không khí, hàm lượng oxy, khí ethylene, hàm lượng cacbonic, nấm bệnh, vi khuẩn xâm nhiễm bề mặt.

Để khắc phục, một số biện pháp xử lý trên cây ở giai đoạn cận thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng dưa sau thu hoạch. Một số kết quả nghiên cứu trên thế giới và trong nước cho thấy xử lý bằng peroxide hydrogen (H2O2) có tác dụng làm tăng độ ngọt của dưa lưới nhờ kích thích cơ chế phản hồi tự bảo vệ của cây và tăng nồng độ các chất thẩm thấu trong đó có glycinebetaine, tăng hoạt tính các enzyme chịu hạn và tăng hàm lượng đường. Mặt khác, chất điều hòa sinh trưởng aminoethoxyvinylglycine (AVG) cũng được nghiên cứu và ứng dụng để làm chậm quá trình chín và tăng cường độ chắc của quả. Hiện Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Công nghệ cao cũng xử lý bằng H2O2 ở nồng độ 1-5 ppm khi dưa bắt đầu tạo lưới.

- Thông số kỹ thuật chính: Đạt tiêu chuẩn dưa lưới hữu cơ

 

- Đã ứng dụng tại: Các trang trại công nghệ cao trong cả nước

- Tác động môi trường: Không tác động đến môi trường, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tái chế chất thải

- Tình trạng phát triển công nghệ: Thử nghiệm thương mại hoá

- Công nghệ đã đăng ký quyền Sở hữu trí tuệ: Chưa

- Đơn vị muốn cung cấp công nghệ: Có

- Hình thức chuyển giao: Chuyển giao công nghệ độc lập.

- Nhà nước cần bổ sung các cơ chế chính sách gì để thúc đẩy việc phát triển các tổ chức dịch vụ đánh giá, định giá và môi giới chuyển giao: Có chính sách hỗ trợ môi giới chuyển giao công nghệ phù hợp.

- Thông tin liên hệ:

+ Tên đơn vị: Trường Đại học Nông lâm - Đại học Huế

+ Địa chỉ: 102 Phùng Hưng, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế

+ Điện thoại: 0905.337564