vi-VNen-US

Tin tức
Hội nghị nghiệm thu mô hình thuộc Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng hoa Lily, hoa Cúc và hoa Đồng tiền tại tỉnh Thừa Thiên Huế"
30.1.2024
Sáng ngày 26/01/2024, tại UBND huyện A Lưới, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (Trung tâm) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với UBND huyện A Lưới tổ chức Hội nghị nghiệm thu mô hình thuộc Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng hoa Lily, hoa Cúc và hoa Đồng tiền tại tỉnh Thừa Thiên Huế” do Trung tâm chủ trì và Th.S Lê Đình Hoài Vũ làm Chủ nhiệm.

Toàn cảnh Hội nghị nghiệm thu mô hình

Đây là dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng hoa Lily, hoa Cúc và hoa Đồng tiền tại tỉnh Thừa Thiên Huế” thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025, bắt đầu thực hiện từ năm 2021” do Trung ương quản lý.

Tham dự Hội nghị nghiệm thu mô hình có ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, Chủ tịch Hội đồng, ông Dương Quốc Tuấn, Trưởng phòng Phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế, ThS. Lê Đình Hoài Vũ, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ và các thành viên Hội đồng, 10 hộ dân tham gia thực hiện Dự án và các đại biểu là các hộ nông dân tiêu biểu tại thị trấn, các xã.

Trung tâm đã phối hợp với đơn vị hỗ trợ ứng dụng công nghệ thực hiện chuyển giao quy trình và cử người hướng dẫn trực tiếp và đào tạo tại chỗ cho các cán bộ kỹ thuật cũng như đào tạo thực hành các kỹ thuật viên cơ sở tại địa phương trong thời gian xây dựng các mô hình. Các quy trình chuyển giao công nghệ áp dụng trong quá trình thực hiện dự án phù hợp với điều kiện thực tế tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau khóa đào tạo các học viên nắm vững và thực hành thành thạo các quy trình công nghệ. Bao gồm các nội dung: (1) Những vấn đề cơ bản liên quan đến sinh trưởng, phát triển và đặc điểm sinh học của các giống hoa: (2) Quy trình kỹ thuật trồng hoa lily chậu; Quy trình kỹ thuật trồng hoa cúc chậu; Quy trình kỹ thuật trồng hoa đồng tiền trong chậu và phương pháp hướng dẫn, chuyển giao các quy trình kỹ thuật đó cho nông hộ trồng hoa tại vùng dự án.

Trung tâm đã tiến hành tổ chức tập huấn cho 200 lượt người về trồng, chăm sóc, bảo quản và thu hoạch hoa cúc, đồng tiền, lily thương phẩm trong nhà lưới. Từ đó người dân có thể nắm vững được các quy trình đã được tập huấn và chủ động thực hiện.

Trong năm 2022, Trung tâm đã tiến hành cung cấp giống hoa Lily đợt 1 vào ngày 03/11/2022 với số lượng 22.000 củ/10 hộ dân và giống hoa Cúc vào ngày 19/10/2022  với số lượng 15.000 cây/10 hộ dân.

Trong năm 2023, Trung tâm đã tiến hành cung cấp giống hoa Lily đợt 2 vào ngày 23/11/2023 với số lượng 31.000 củ/10 hộ dân, giống hoa Cúc vào ngày 17/10/2023 với số lượng 45.000 cây/10 hộ dân và giống hoa Đồng tiền vào ngày 19/10/2023 với số lượng 8.600 cây/10 hộ dân

Giai đoạn chuẩn bị giá thể, Trung tâm đã tiến hành cử kỹ thuật viên kiểm tra đánh giá chất lượng giá thể của từng hộ dân. Hướng dẫn các kỹ thuật xử lý giá thể đến với từng hộ dân.

Giai đoạn xuống giống và giai đoạn chăm sóc, Trung tâm tiến hành các đợt kiểm tra thực tế các mô hình trung bình một tháng 01 – 02 lần. Giai đoạn cao điểm các yếu tố điều kiện ngoại cảnh, các phản ánh của hộ dân về tình hình sinh trưởng phát triển của mô hình hoa có những dấu hiệu, biểu hiện bất thường. Trung tâm luôn quan tâm theo dõi, cùng phối hợp với đơn vị chuyển giao công nghệ đưa ra các khuyến nghị kịp thời đến với các hộ dân. Từ đó kết quả sinh trưởng phát triển các loại hoa được đảm bảo về chất lượng như sau: Mô hình hoa Lily có chiều cao cây trung bình 100 – 110cm, có trung bình 3 – 5 hoa. Tỷ lệ sống đạt 70 – 75%. Mô hình hoa Cúc có chiều cao cây trung bình 35 – 42cm, có trung bình 8-12 hoa. Tỷ lệ sống đạt 65 – 70%. Mô hình hoa Đồng tiền có chiều cao cây trung bình 20 – 27cm, có trung bình 01-03 hoa. Tỷ lệ sống đạt 60 – 65%.

Sau hơn 3 năm thực hiện, dự án đã tổ chức triển khai thực hiện và đạt kết quả như sau: Xây dựng thành công mô hình sản xuất hoa Lily thương phẩm với quy mô 2.000 m2/10 hộ (200 m2/hộ). Xây dựng thành công mô hình sản xuất hoa Cúc thương phẩm với quy mô 1.000 m2/10 hộ (100 m2/hộ). Xây dựng thành công mô hình sản xuất hoa Đồng tiền thương phẩm với quy mô 1.000 m2/10 hộ (100 m2/hộ).

Hiệu quả kinh tế đạt được của mỗi hộ dân trong năm 2022 như sau: (1) Mô hình hoa Lily trung bình sẽ thu được lợi nhuận từ 37 – 45 triệu đồng/01 hộ dân/01 vụ . (2) Mô hình hoa Cúc trung bình sẽ thu được lợi nhuận từ 11 – 13 triệu đồng/01 hộ dân/01 năm.

Hiệu quả kinh tế đạt được của mỗi hộ dân trong năm 2023 dự kiến như sau: (1) Mô hình hoa Lily trung bình sẽ thu được lợi nhuận từ 45 – 53 triệu đồng/ 01 hộ dân/01 vụ. (2) Mô hình hoa Cúc trung bình sẽ thu được lợi nhuận từ 12 – 16 triệu đồng/01 hộ dân/01 năm. (3) Mô hình hoa Đồng trung bình sẽ thu được lợi nhuận từ 6 – 8 triệu đồng/01 hộ dân/01 vụ.

Dự án sẽ mở ra một hướng sản xuất mới, sử dụng được tiềm năng sẵn có, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Dự án là mô hình để người trồng hoa ở địa phương học tập và làm theo từ đó thay đổi được tập quán, phương thức canh tác nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong ngành trồng hoa. Góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và sản phẩm xã hội. Thành lập được các hội, câu lạc bộ về nhóm, ngành hoa, từ đó phát huy được hiệu quả về kỹ thuật cũng như tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm. Hàng quý, hàng năm các hội, câu lạc bộ sẽ có các cuộc họp, gặp mặt để đánh giá, giao lưu và cùng nhau duy trì và phát triển để đưa sản phẩm đẹp nhất đến tay người tiêu dùng.  Qua việc xây dựng mô hình sản xuất hoa trong nhà lưới áp dụng công nghệ cao từng bước nâng cao nhận thức của nhân dân về việc tiếp cận khoa học kỹ thuật, giữ gìn, tôn tạo và bảo vệ môi trường sống xung quanh. Các chất thải của dự án: tàn dư cây, cành, hoa đều dễ phân hủy, được tái chế làm phân bón, cho các loại cây rau đậu, do vậy không để ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Đây là một chương trình ứng dụng khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất, nhân rộng và duy trì mô hình trồng hoa theo hướng công nghệ cao trên địa bàn huyện góp phần bảo vệ môi trường, tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung. Dự án sau khi thực hiện có kết quả sẽ là điểm trình diễn mô hình sản xuất mới về nông nghiệp có thu nhập cao để các địa phương, các vùng trong tỉnh tham quan, học tập và nhân rộng.

Kết thúc hội nghị, Hội đồng đã đi kiểm tra trực tiếp tại các mô hình. Hội đồng đã đánh giá cao kết quả đạt được của Dự án. Dự án đã triển khai thực hiện đúng, đủ nội dung theo thuyết minh, đạt được các mục tiêu để ra. Thông qua việc ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cũng như đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, quảng bá mô hình sản xuất hoa thương phẩm đã nâng cao nhận thức và thay đổi tập quán trồng trọt của người dân địa phương. Dự án góp phần tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế- xã hội, ổn định an ninh trật tự và bảo vệ môi trường cho vùng nông thôn, miền núi trên địa bàn huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

ThS. Lê Đình Hoài Vũ, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Hội nghị

Các hộ dân tham gia thực hiện Dự án phát biểu tại Hội nghị

Đại biểu tham quan các mô hình trồng hoa Lily của các hộ dân tham gia thực hiện Dự án

Đại biểu tham quan các mô hình trồng hoa Cúc của các hộ dân tham gia thực hiện Dự án

Đại biểu tham quan các mô hình trồng hoa Đồng tiền của các hộ dân tham gia thực hiện Dự án

Việt Hoàng