vi-VNen-US

Dự án khởi nghiệp
Gender – Giáo dục Kỹ năng sống thông qua trò chơi
20.2.2023
Ngày 25/9/2019, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 2373/QĐ-UBND phê duyệt kết quả Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019.

Mô tả:

Dự án Gender – Giáo dục Kỹ năng sống thông qua trò chơi của Phan Văn Khoa, Đinh Xuân Huy, Phan Gia Thủy Ly, Nguyễn Như Thông, của sinh viên trường Đại học Kinh tế đạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019.

Nội dung:

Nguyễn Như Thông, Chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) Dynamic Trường đại học (ĐH) Kinh tế, ĐH Huế (thành viên dự án) cho biết, dự án “Gender – Giáo dục kỹ năng thông qua trò chơi” ra đời trước thực trạng đáng lo khi nhiều trẻ em bị xâm hại về cả cơ thể lẫn tinh thần nhưng thiếu kỹ năng sống, thậm chí nhiều vụ việc như trường hợp bị kẹt trong ô tô dẫn đến tử vong, trong khi vấn đề giáo dục kỹ năng cho lứa tuổi học sinh ngay tại trường học và gia đình chưa thực sự hiệu quả. “Các em 6 – 7 tuổi đọc sách còn khó, lại mau quên. Đối với trẻ nhỏ, nên chọn một hình thức giáo dục trực quan, sinh động và tạo được hứng thú”, Thông nói.

Sau hơn 3 tháng trăn trở, ý tưởng về dự án “Gender - Giáo dục kỹ năng thông qua trò chơi” dần được hình thành. Trên nền tảng ứng dụng web, nhóm Gender thiết kế phần mềm trò chơi với các game là những bài học, kiến thức về kỹ năng sống, kỹ năng mềm cần thiết trong trường học, kỹ năng tự vệ và những bài học về bảo vệ môi trường. Đại diện nhóm Gender giải thích, các game được phân chia theo lứa tuổi và cấp độ khác nhau để các em chọn. Trong game, khung chương trình được thiết lập với nhiều hình thức khác nhau, như lựa chọn câu trả lời để thể hiện quan điểm khi gặp tình huống, hoặc dưới dạng hình ảnh, âm thanh, lời nói. Tất cả câu hỏi được xâu chuỗi để giúp học sinh tư duy giải quyết một vấn đề nào đó, đơn cử như vấn đề xâm hại tình dục, bạo lực học đường…

Đáng chú ý, mô hình dự án này có thể áp dụng trên lớp học thông qua ứng dụng phiên bản web trên máy tính, chiếu qua máy chiếu hoặc màn hình tivi hay để phụ huynh chơi với con (phiên bản mobile). “Có những vấn đề khi trao đổi thông thường, phụ huynh ngại nói với con, nhất là giai đoạn con phát triển tâm sinh lý nhưng thông qua trò chơi có thể vừa chơi vừa khéo léo hướng dẫn con xử lý những vấn đề của bản thân hoặc phòng tránh những trường hợp cần thiết”, đại diện nhóm Gender nói.

Đối tượng phục vụ của các game giáo dục kỹ năng này từ 6 - 12 tuổi. Khi xây dựng khung chương trình của các trò chơi, nhóm được các chuyên gia, thầy cô giáo hỗ trợ trong việc xây dựng hệ thống các câu hỏi, nội dung giáo dục kỹ năng nên phù hợp với chương trình giáo dục, độ tuổi của học sinh.

Ứng dụng tốt

Hiện, nhóm đã thiết lập xong bản game, có khung chương trình và đã triển khai thử nghiệm tại Trường tiểu học Lý Thường Kiệt, Trường tiểu học Thủy Dương và Trung tâm Bảo trợ trẻ em Xuân Phú. Cô Nguyễn Minh Thanh Nhàn, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Thường Kiệt chia sẻ: “Dự án có điểm hay là biết cách ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và chú trọng giáo dục kỹ năng sống, vấn đề đang được các trường rất quan tâm. Hình thức phong phú và câu hỏi trong các trò chơi khá đa dạng, đưa ra được các tình huống để học sinh xử lý. Với sự góp ý của các thầy cô, khi dự án hoàn thiện, tôi tin sẽ áp dụng tốt trong trường học”.

Phan Văn Khoa, trưởng nhóm dự án tiết lộ, ngoài các trường đã triển khai thử nghiệm thì khi giới thiệu với nhiều trường học khác, đa phần đánh giá cao tính sáng tạo của mô hình mới này và có mong muốn thử nghiệm. Khi vận hành chính thức, kinh phí để các trường mua ứng dụng sẽ không cao.

“Chi phí mỗi tháng các trường mua ứng dụng khi dự án vận hành chính thức chỉ 390 nghìn đồng/trường. Mức chi phí này khá thấp bởi theo khảo sát tại một số trường, nội dung giảng dạy kỹ năng sống thì mỗi học sinh phải đóng 40 nghìn đồng/tháng, tức là với mô hình Gender, chi phí cho mỗi học sinh có thể giảm xuống nhiều. Trong khi đó, với số lượng hàng ngàn trường tiểu học và hàng nghìn trung tâm Anh ngữ, kỹ năng mềm cùng hàng triệu gia đình có con nhỏ từ độ tuổi 6 - 12 tuổi như hiện nay cùng xu thế ứng dụng công nghệ vào giảng dạy hiện nay, khả năng để phát triển dự án không phải quá khó”, Văn Khoa khẳng định.

Như vậy có thể thấy, trong những năm gần đây, với sự quan tâm đặc biệt của Ban Giám hiệu, lãnh đạo các khoa, sự hướng dẫn tận tình của giảng viên nhà trường, hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế đã có nhiều khởi sắc cả về chất lượng lẫn số lượng. Các công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Kinh tế đã liên tiếp nhận được nhiều giải thưởng. Hy vọng rằng, thầy và trò Trường Đại học Kinh tế sẽ tiếp tục cố gắng để đạt thêm nhiều thành tựu mới trên con đường nghiên cứu khoa học và đào tạo.

Nguồn: Tổng hợp