vi-VNen-US

Dự án khởi nghiệp
Khởi nghiệp với nông nghiệp công nghệ cao
26.1.2024
Áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất trồng trọt như xây dựng nhà kính, hệ thống tưới tự động, đèn chiếu sáng… giúp kiểm soát chặt chẽ các yếu tố môi trường, nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, nhờ đó cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Đây là hướng đi được 2 nông dân tại xã Tam Anh Bắc (Núi Thành) lựa chọn và bước đầu mang lại hiệu quả.

Ông Phạm Phú chăm sóc vườn cúc lưới của mình. Ảnh: L.T

Khởi nghiệp với hoa cúc lưới

Những ngày cận tết, vườn hoa cúc lưới rộng 1.200m2 với 80.000 gốc của ông Phạm Phú (53 tuổi, thôn Đức Bố, xã Tam Anh Bắc) kịp bung nở để cung cấp thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Đây là tâm huyết của lão nông 53 tuổi sau nhiều năm gắn bó với nghề trồng hoa tại Đà Lạt.

“Mơ ước lớn nhất của tôi là xây dựng một vườn hoa lớn tại Quảng Nam. Vì thế, sau nhiều năm làm việc tại Đà Lạt, năm 2017, tôi về quê. Thấy bà con mình chỉ trồng lúa, trồng khoai, thu nhập thấp càng thôi thúc tôi mạnh dạn làm mô hình này. Dù khá tự tin với kinh nghiệm nhưng tôi chưa đầu tư ngay, vì thời tiết, khí hậu ở mình thực sự là thách thức lớn. Đến năm 2023, khi mọi thứ đã ổn định, tôi quyết định đầu tư bài bản cho vườn hoa này” - ông Phú nói.

Vườn cúc lưới rộng 1.200m2 được trồng trong nhà kính hiện đại. Ảnh: L.T

Vườn cúc lưới rộng 1.200m2 được trồng trong nhà kính hiện đại. Ảnh: L.T

Trên diện tích 1.200m2 tại thôn Đức Bố, ông Phú đầu tư gần 1 tỷ đồng mua nguyên vật liệu và thuê thợ tại Đà Lạt về lắp ráp, xây dựng hệ thống nhà kính theo tiêu chuẩn vườn hoa ở Đà Lạt. Ông áp dụng khoa học kỹ thuật, máy móc hiện đại, hệ thống tưới tiêu tự động, hệ thống đèn chiều sáng theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của hoa.

Sau nhiều năm tìm hiểu đặc tính từng loại hoa và nhu cầu thị trường, ông Phú chọn phát triển hoa cúc lưới, loại hoa có giá trị kinh tế cao, nhu cầu sử dụng nhiều nhưng hiện tại chưa được trồng nhiều tại Quảng Nam.

Ông cho hay, khi bắt tay làm nhà kính và trồng cúc lưới, nhiều người cho rằng ông quá mạo hiểm. Tuy nhiên, ông hoàn toàn tự tin về kết quả tốt với nghề trồng hoa cúc nếu đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. Cùng với đó, giá thành cạnh tranh, không tốn thời gian vận chuyển, bảo quản thì chắc chắn sẽ được thị trường đón nhận.

Tháng 9/2023, khi hệ thống nhà kính và các thiết bị đi vào hoạt động, ông trồng 80.000 gốc hoa cúc lưới. Dù gặp một ít khó khăn do đất thiếu sắt, ma-giê nhưng ông đã sớm khắc phục. Đến nay, hoa ra búp đều, đẹp, thân khỏe, được rất nhiều thương lái quan tâm đặt mua.

“Mong tết nay, mọi người sẽ được mua hoa cúc lưới được trồng ngay tại Quảng Nam. Kỳ vọng với những thành công bước đầu thế này, thời gian tới nguồn hoa sẽ phong phú, đa dạng hơn, đáp ứng được nhu cầu khách hàng” – ông Phú nói.

Triển vọng cây măng tây, dưa nhà kính

Cách vườn ông Phú không xa, vườn măng tây của anh Lương Tấn Tiên (SN 1993, thôn Đức Bố 2, xã Tam Anh Bắc) cũng mang lại hiệu quả sau một năm trồng thử nghiệm.

Lương Tấn Tiên chăm sóc khu vườn măng tây của mình. Ảnh: L.T

Lương Tấn Tiên chăm sóc khu vườn măng tây của mình. Ảnh: L.T

Anh Tiên kể, năm 2022, khi đang làm việc trong một công ty nhưng với niềm đam mê phát triển nông nghiệp, anh tìm hiểu các mô hình trồng trọt phù hợp thời tiết, đất đai địa phương. Và tìm thấy mô hình trồng măng tây rất tiềm năng, nên Tiên vào Tây Nguyên tham quan, học hỏi và về đầu tư trồng trên diện tích 1.000m2.

“Thời gian đầu thiếu kinh nghiệm nên tôi gặp một số khó khăn khi cây không đủ dinh dưỡng, phát triển chậm. Khắc phục những hạn chế đó, sau 5 tháng, vườn măng tây cho thu hoạch. Ngày đầu chỉ thu được 3kg, nhưng một tuần sau đó, số lượng tăng dần lên 10-15kg/ngày. Lúc ấy, vợ chồng tôi rất vui vì những gì bỏ ra đã mang lại kết quả” - anh Tiên chia sẻ.

Vườn măng tây đang được nuôi dưỡng để cho thu hoạch vào thời gian tới. Ảnh: L.T

Vườn măng tây phát triển tốt trên vùng đất Đức Bố, xã Tam Anh Bắc. Ảnh: L.T

Lương Tấn Tiên cho biết thêm, đặc tính của cây măng tây chịu nhiệt, chỉ thu trong mùa nắng, mùa mưa bão thì cắt hết thân nên khi có bão đi qua thì cũng không ảnh hưởng, qua mùa xuân, cây lại mọc lên trở lại, măng tây có thể thu hoạch trong 7-10 năm. Vụ đầu tiên, vợ chồng anh Tiên thu được 3 tạ măng, với giá bán 70 nghìn đồng/kg. Anh Tiên kỳ vọng, năm nay, khi cây đã ổn định sẽ cho năng suất cao hơn.

Anh Tiên trồng thử nghiệm 120m2 dưa lưới trong nhà kính. Ảnh: L.T

Anh Tiên trồng thử nghiệm 120m2 dưa lưới trong nhà kính. Ảnh: L.T

Đam mê với nông nghiệp công nghệ cao, được truyền cảm hứng từ bạn Huỳnh Đức Anh Thi (một thanh niên khởi nghiệp tại Tam Thái, Phú Ninh), giữa năm 2023, Tiên quyết định đầu tư hệ thống nhà kính để trồng dưa lưới. Được Thi hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc loại dưa này, đến nay dưa đã cho quả, dự tính sẽ thu trong Rằm tháng Giêng tới.

“Tôi tính năm nay sẽ tiếp tục đầu tư diện tích nhà kính thêm 500m2 để trồng dưa lưới, cà chua bi, dưa chuột, rau thủy canh, đồng thời mở rộng thêm khu vực trồng măng tây trong nhà lưới để đảm bảo lượng măng tây cung cấp thị trường quanh năm” - Tiên chia sẻ.

Vườn dưa lưới được tưới nước nhỏ giọt, đảm bảo độ ẩm cho dưa phát triển. Ảnh: L.T

Vườn dưa lưới được tưới nước nhỏ giọt, đảm bảo độ ẩm cho dưa phát triển. Ảnh: L.T

Theo anh Tiên, thâm canh cây trồng sử dụng các công nghệ tiên tiến như nhà kính, nhà màng, thủy canh, tưới nhỏ giọt... sẽ kiểm soát chặt chẽ các yếu tố môi trường như nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm... Điều này giúp cây trồng phát triển khỏe mạnh, cho năng suất cao và chất lượng tốt hơn. Đồng thời, biện pháp canh tác cũng thân thiện với môi trường, nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, nên đây là một hướng đi đầy triển vọng.

 “Tôi mong có được sự đồng hành từ chính quyền địa phương hỗ trợ các cơ chế chính sách, nguồn vốn để đầu tư phát triển vườn quy mô hơn. Và hy vọng, một ngày không xa, sẽ hình thành được hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao ngay tại địa phương” - Tiên mong muốn.

Nguồn: Báo điện tử Quảng Nam