vi-VNen-US

Công nghệ và thiết bị chào bán

Công nghệ và thiết bị chào bán

Công nghệ và thiết bị chào bán
Quy trình công nghệ sản xuất giống cá Ong bầu 352
Giá tham khảo:
Nhà cung ứng:
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:

Thông tin chung

THÔNG TIN CHI TIẾT VỀ CÔNG NGHỆ/THIẾT BỊ 

- Tên công nghệ (Quy trình/thiết bị/ sản phẩm): Quy trình công nghệ sản xuất giống cá Ong bầu.

- Công nghệ thuộc lĩnh vực: Thuỷ sản 

- Công nghệ thuộc nhóm đối tượng nào trong Luật Chuyển giao công nghệ: Khuyến khích chuyển giao 

- Xuất xứ công nghệ: Từ đề tài thực hiện nhiệm vụ Khoa học Công nghệ 

- Tiệu chuẩn/Quy chuẩn của công nghệ: 

- Mô tả chi tiết về Công nghệ/Quy trình công nghệ:

1. Lồng nuôi

* Chọn vị trí đặt lồng

+ Lồng nuôi vỗ cá bố mẹ phải được đặt ở nơi nước sạch, ít sóng gió, gần cửa biển và dòng chảy từ 0,2 – 0,4m/s.

+ Độ sâu phải đảm bảo đáy lồng cách nền đáy ít nhất 1m

+ Đảm bảo hàm lượng oxy hòa tan lớn hơn 5mg/l, độ mặn từ 5 - 30‰ (tốt nhất: 20 - 30‰), pH từ 7,5 – 8,5.

+ Cần tránh những nơi gây ô nhiễm dầu, ô nhiễm chất thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, tàu bè. Nơi phú dưỡng có thể xảy hiện tượng tảo tàn.

 * Thiết kế và xây dựng lồng

+ Thông thường một dàn lồng được thiết kế gồm nhiều ô lồng nhỏ, mỗi ô lồng có kích cỡ 6 x 5 x 3m. Nên làm khung trên lồng bằng gỗ với kích cỡ thông thường loại 8 x 15cm. Lưới lồng tốt nhất nên là polyetylen không gút. Kích thước mắc lưới từ 1 - 2cm.

+ Để giữ bè nổi, dùng phao hay thùng nhựa (1 x 0,6m), mỗi dàn lồng khoảng 8 thùng nhựa. Cố định lồng bằng 4 cái neo và 4 dây neo có chiều dài khoảng 30 – 40m.

+ Ở các vùng cạn ven bờ có thể cố định lồng bằng các cọc tre cắm xung quanh lồng nuôi.

2. Cá bố mẹ

* Nguồn cá bố mẹ

+ Cá bố mẹ được chọn từ ngoài tự nhiên hoặc lồng nuôi, ao nuôi của các hộ dân.

+ Cá có nguồn gốc rõ ràng, có khối lượng lơn hơn 45g/con, cá khỏe mạnh, bơi lội nhanh nhẹn, không bị xây xát, không dị hình, dị tật.

+ Trước khi thuần hóa đưa cá vào tắm ở nước có cùng độ mặn nơi thu cá, có sục khí và hàm lượng kháng sinh 10ppm (peniciline, ampiciline, streptomicine) trong khoảng 20 – 30 phút.

* Thuần cá bố mẹ trước khi đưa vào nuôi vỗ

   Thời gian thuần hóa: Từ ngày 1/1 – 30/1

+ Mục đích : Để cá thích nghi với điều kiện môi trường ở vùng nuôi vỗ cá bố mẹ (đặc biệt là độ mặn) và quen với thức ăn dự định sử dụng trong nuôi vỗ. Trong quá trình thuần hóa để kiểm tra sức khỏe, hiện tượng xây xát và bệnh cá, để loại bỏ những con không đạt tiêu chuẩn trước khi đưa vào nuôi vỗ

+ Cá bố mẹ có khối lượng lớn hơn 45 gam/con, sau khi thu gom đưa về thuần hóa ở bể composite có thể tích từ 5 - 10m3, bể được lắp 2 - 3 vòi sục khí, đảm bảo hàm lượng oxy hòa tan > 5mg/l

+ Mật độ thuần hóa: 5con/m3.

+ Điều chỉnh độ mặn trong bể thuần hóa bằng với độ mặn nơi thu cá, sau đó tăng hoặc giảm mỗi ngày 2 - 3‰ cho đến khi bằng với độ mặn nơi dự định thả cá.

  • Cho ăn từ 1 - 3 ngày đầu : Cá tạp rửa sạch bằng nước ngọt cho ăn mỗi ngày 1- 2% khối lượng cá nuôi, hoặc cho ăn thức ăn công nghiệp : 0,5 - 1% khối lượng cá nuôi. Mỗi ngày cho ăn 1 lần.
  • Cho ăn từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 30: Cá tạp cho ăn: 4 - 5% khối lượng thân, hoặc thức ăn công nghiệp: 2 - 3% khối lượng thân. Hàng ngày siphon bể nuôi  để tạo môi trường trong sạch, ít khí độc. Trong quá trình thuần hóa, quản lý các yếu tố môi trường nằm khoảng thích hợp: oxy hòa tan từ : 5 - 9mg/l, pH: 7,5 - 8,5,  nhiệt độ: 20 – 32oC, NH3 <0,5mg/l, H2S < 0,1mg/l.

3. Nuôi vỗ cá bố mẹ ở lồng

* Nuôi vỗ tích lũy (từ ngày 1/2 đến ngày 14/5)

+ Mục đích: Tạo mọi điều kiện thuận lợi để cá tích lũy vật chất dinh dưỡng: Protein, lipid, gluxit ở cơ, gan, máu và mỡ ở thành ruột cao nhất.

+ Cá bố mẹ sau khi thuần hóa, lựa chọn cá khỏe mạnh có khối lượng lớn hơn 60g/con để đưa vào lồng nuôi vỗ. Mật độ nuôi 5 con/m3. Tỷ lệ đực : cái là 1 : 1.

+ Cho ăn cá  tạp khoảng 4 - 5% khối lượng thân/ngày;

+ Hoặc cá tạp: (2 – 2,5%)/khối lượng thân/ngày + thức ăn công nghiệp: (1 – 1,5%)/ khối lượng thân /ngày;

+ Hoặc thức  ăn công nghiệp: 2 – 3%  khối lượng thân/ ngày.

+ Cá tạp tươi, được cắt nhỏ vừa miệng cá. Thức ăn công nghiệp có hàm lượng protein thô > 40%.

* Nuôi vỗ chuyển hóa (từ ngày 15/5 đến ngày 15/6)

+ Mục đích: Tạo mọi điều kiện thuận lợi để vật chất tích lũy ở cơ, gan, máu và mỡ ở thành ruột chuyển qua buồng trứng nhanh nhất và mạnh nhất.

+ Thay thức ăn  bằng mực tươi, với lượng 2 – 3% khối lượng thân/ngày. Trong quá trình nuôi tùy thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp.

* Quản lý môi trường, lồng nuôi

+ Trong quá trình nuôi vỗ, quản lý các yếu tố môi trường thích hợp: pH từ 7 – 8,5; DO > 4mg/l; độ mặn từ: 20 – 30‰; NH3 < 0,1mg/l. Nếu độ mặn quá thấp thì chuyển lồng đến nơi có độ mặn cao hơn

+ Thường xuyên vệ sinh lồng tạo môi trường thông thoáng, thường 2 tuần vệ sinh lồng 1 lần, khi trời nắng nhiệt độ cao mỗi tuần vệ sinh lồng 1 lần.

+ Vào khoảng 15 tháng 6 bắt đầu kiểm tra cá để cho đẻ.

4. Chuẩn bị bể đẻ

Bể đẻ tốt nhất là bể composite hình tròn, có thể tích 5 - 10m3, chiều cao 2,5m. Nguồn nước biển sau khi được lọc, để lắng đưa nước vào bể qua túi lọc 200µm, mức nước đưa vào bể khoảng 1,5m. Mỗi bể lắp từ 3 - 4 vòi sục khí. Điều kiện môi trường thích hợp cho cá đẻ trứng, nhiệt độ nước: 26 – 290C, độ mặn: 25 - 30‰, pH: 7,5 – 8,5, oxy hòa tan > 4mg/lit

5. Chọn cá bố mẹ cho đẻ

Cá cái: Bụng to, mềm lỗ hậu môn hơi hồng, mặt bụng bằng phẳng, cá có khối lượng lớn hơn 60g/con.

Cá đực: Vuốt nhẹ có tinh dịch màu trắng sửa chảy ra, cá có khối lượng lớn hơn 50g/con.

6. Kích thích sinh sản bằng tiêm hormone

Có thể dùng 1 trong 2 cách sau:

a. Dùng: LRH-A3 +Dom:

+ Liều cho cá cái:  (80μgLRH-A3 + 5mgDom)/kg cá

+ Liều cho cá đực: (40μgLRH-A3 + 2,5mgDom)/kg cá

b. Dùng HCG:

+ Liều cho cá cái:  3000IU HCG/kg cá

+ Liều cho cá đực: 1500IU HCG/kg cá

Sử dụng nước cất để hòa tan chất kích thích, lượng dung dịch nước cất để tiêm cho 100g cá là 0,05ml. Chỉ tiêm 1 lần, cá đực tiêm cùng lúc với cá cái, tiêm ở phần mềm gốc vây ngực

Cách tiêm: Đặt mũi kim vào gốc vây ngực, nghiêng 45o so với thân cá, ấn nhẹ mũi kim vào gốc vây từ 1- 2mm, bơm thuốc nhanh và rút ra từ từ để tránh thuốc trào ra ngoài. Tùy theo nhiệt độ sau khoảng 39 – 41giờ cá đẻ, thời gian đẻ kéo dài từ 4 - 6 giờ, cần tránh tiếng động mạnh.

7. Ấp trứng

*Vớt trứng: Sau khi cá đẻ xong 30 – 60 phút, dùng lưới 100µm vớt toàn bộ trứng chuyển vào thùng nhựa (chứa nước có độ mặn 25‰), khuấy nhẹ cho nước và trứng trong thùng  thành vòng tròn, loại bỏ chất cặn bã và trứng hỏng (không thụ tinh) lắng đọng dưới đáy thùng, chuyển trứng vào bể ấp.

*Ấp trứng:

+ Trứng được đưa vào ấp ở bể composite (0,5m3) với mật độ 1500 – 2000 trứng/l, nước biển được lọc sạch .

+ Điều kiện môi trường ấp: độ mặn 25 - 30‰, nhiệt độ 26 – 29oC, pH: 7,5 – 8,5, hàm lượng oxy hòa tan 5 - 8mg/l, cần tránh ánh sáng chiếu trực tiếp vào bể, điều khiển sục khí để trứng được đảo đều.

+ Sau 28 - 32 giờ, trứng nở thành cá bột. Sau 3 ngày chuyển cá sang bể ương từ cá bột lên cá hương.

8. Ương ấu trùng cá

* Chuẩn bị bể ương

+ Vệ sinh  bể 5 - 50 m3 bằng chlorine 30ppm, sau đó xịt rửa lại bể bằng nước ngọt. Phơi bể trong 3 ngày.

+ Cấp nước vào bể khoảng 4/5 thể tích bể, nước được cấp vào bể xử lý qua túi lọc 200µm, giữ nước trong bể từ 1-2 ngày, sau đó cho tảo Nanochloropsis oculata với mật độ duy trì 10-20 vạn tế bào/ml. Rotifer đưa vào với mật độ 5-10 con/ml, Copepoda 5 – 10 con/ml. Rotifer  được làm giàu bằng DHA-protein Selco với nồng độ 300ppm trong khoảng thời gian 5 giờ.

 + Bể ương được lắp đặt hệ thống sục khí đáy 1 viên ở giữa và 4 viên ở 4 góc của bể.

 + Điều khiển các yếu tố môi trường nằm trong khoảng thích hợp : Nhiệt độ: 26 - 29oC; Độ mặn: 25 - 30o/oo;  Kiềm: 85 mg/l; pH:7,5 -  8; DO: 5 -6 mg/l

* Thả ấu trùng

+ Sau khi kiểm tra các yếu tố môi trường thích hợp tiến hành thả giống. Thu vớt ấu trùng sau khi nở 3 ngày, vào buổi chiều mát từ 16 giờ đến 18 giờ từ bể ấp 5m3 trong nhà sang bể ương ngoài trời, dụng cụ thu vớt và vận chuyển trứng và ấu trùng được vệ sinh sạch sẽ.

+ Trước khi thả giống vào bể ương ngoài trời cần để dụng cụ chứa ấu  trùng vào nước của bể ương khoảng 15 – 20 phút, để cho nhiệt độ của nước vận chuyển và trong bể ương bằng nhau, mới thả từ từ cho ấu trùng ra bể ương.

+ Ấu trùng phải có sức khỏe tốt, màu sắc tươi sáng, đầy đủ các vây, vi phần phụ. Không dị hình dị tật.

+ Mật độ ương 3000 con/m3

* Chăm sóc và quản lý

+ Quản lý chất lượng nước trong bể ương : DO từ 4 – 6mg/l, pH : 7,5 – 8,0 và độ trong 20 – 30cm.

+ Nước trong quá trình ương được thay theo chu kỳ 2-3 ngày/lần, mỗi lần thay từ 30-50% thể tích nước bể ương.

* Cho ăn

+  Giai đoạn cá mới nở đến 21 ngày tuổi: Thức ăn được cung cấp cho giai đoạn đầu khi ấu trùng được đưa vào bể ương đến 21 ngày tuổi là tảo tươi Nanochloropsis oculata với mật độ duy trì 10 - 20 vạn tế bào/ml, Rotifer  5 -10 con/ml và Copepoda 5-10 con/ml. Rotifer được làm giàu bằng DHA-protein Selco với nồng độ 300ppm trong khoảng thời gian 5 giờ.

+  Giai đoạn cá 21 ngày tuổi đến 35 ngày tuổi: Ấu trùng cá được 21 ngày tuổi, lúc này cơ quan tiêu hóa của ấu trùng đã hình thành nhiều enzyme có thể tiêu hóa tốt các loại thức ăn, sử dụng công thức: tảo + Rotifer (làm giàu bằng DHA-protein selco) + Artemia + thức ăn công nghiệp Inve  do Thái lan  sản xuất. Rotifer duy trì 5 – 10 con/l, Artemi: 1- 2 con/l

Cho ăn 3 lần/ngày, vào lúc 6h00,11h30 và 17h30. Lượng thức ăn công nghiệp 80 - 100g/vạn cá/ngày. Thức ăn được tạt đều quanh bể, sau đó quan sát đến khi ấu trùng ngừng ăn. Tiến hành vệ sinh đáy bể 2 giờ sau khi cho ăn.

- Đã ứng dụng tại: Việt Nam

- Tác động môi trường: Sản xuất sạch hơn, không tác động đến môi trường.

- Tình trạng phát triển công nghệ: Sản xuất thử.

- Công nghệ đã đăng ký quyền Sở hữu trí tuệ: Chưa

- Đơn vị muốn cung cấp công nghệ: Có

- Hình thức chuyển giao: Dự án đầu tư.

- Nhà nước cần bổ sung các cơ chế chính sách gì để thúc đẩy việc phát triển các tổ chức dịch vụ đánh giá, định giá và môi giới chuyển giao: Có chính sách hỗ trợ môi giới chuyển giao công nghệ phù hợp.

- Tên đơn vị: Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế.

- Địa chỉ: 102 Phùng Hưng, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế.